Quyền tiếp cận nguồn nước là quyền cơ bản của con người được Liên hợp quốc công nhận vào năm 2010. Quyền này có mối quan hệ gắn bó mật thiết với các mục tiêu phát triển bền vững khi vừa là điều kiện cần, vừa là động lực để các mục tiêu phát triển bền vững được bảo đảm thực hiện. Mặc dù sở hữu mạng lưới sông ngòi dày đặc, tuy nhiên nước ta vẫn thuộc nhóm quốc gia “thiếu nước” do lượng nước bình quân đầu người mỗi năm chỉ đạt 9560 m3 /người/năm, thấp hơn so với chuẩn mực mà Hiệp hội Nước Quốc tế (IWRA) khuyến nghị là 10000 m3/ người/ năm. Vì vậy, bảo đảm quyền tiếp cận nguồn nước là cơ sở cho việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước công bằng, hợp lý giữa các ngành, địa phương, các đối tượng khai thác, sử dụng nước theo quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, đảm bảo chiến lược phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là động lực to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Quan điểm xuyên suốt của Đảng từ năm 1991 đến nay luôn là thúc đẩy thực hiện phát triển bền vững, nhấn mạnh trách nhiệm của tất cả các chủ thể trong việc khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên kết hợp với bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là tài nguyên nước. Ngoài ra, Việt Nam còn là quốc gia cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) bao gồm 115 mục tiêu (đã được Việt Nam đã nhóm lại thành 17 mục tiêu). Trong đó, mục tiêu thứ sáu đề cập về vấn đề nước sạch và vệ sinh luôn được Đảng chỉ đạo quyết liệt. Bảo đảm cho người dân được tiếp cận nước sạch là nhiệm vụ rất quan trọng, đã được Đảng nêu ra trong nhiều nghị quyết quan trọng như Nghị Quyết số 24 – NQ/TW, Nghị Quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII và gần đây nhất là Kết luận số 36 - KL/TW của Bộ Chính trị về an ninh nguồn nước, đều nhấn mạnh các chỉ tiêu về nước sạch cho người dân. Để đạt được những điều này, cần phải có những giải pháp. Cụ thể:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và giáo dục về bảo đảm quyền tiếp cận nguồn nước đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững.
Điều này được thực hiện thông qua các hoạt động giáo dục, tuyên truyền mọi người về quyền này được thực hiện dưới các hình thức: báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, băng rôn, khẩu hiệu...; lồng ghép nội dung giáo dục pháp luật cho trẻ em về quyền tiếp cận nguồn nước. Tiếp tục phát huy các giải pháp hỗ trợ những người gặp khó khăn về việc tiếp cận quyền tiếp cận nguồn nước như những người dân tộc thiểu số hoặc những người sống ở vùng sâu vùng xa... trên cơ sở phát huy hiệu quả từ các chương trình hoặc các gói tài trợ của Chính phủ như “Chương trình nước sạch”, “Chương trình MTQG 1719”.
Thứ hai, hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo đảm quyền tiếp cận nguồn nước.
Hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo đảm quyền tiếp cận nguồn nước ở Việt Nam, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, tập trung vào việc xây dựng một hệ thống pháp luật toàn diện, minh bạch, khả thi và phù hợp với thực tiễn. Tích hợp các quy định liên quan đến nước sạch để tạo nên một cơ chế quản lý thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế và các mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần ban hành một Luật chuyên biệt về nước sạch. Đồng thời tăng cường việc quản lý và giám sát tài nguyên nước và xây dựng kế hoạch tổng thể quản lý tài nguyên nước quốc gia và cấp vùng và xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan để tránh chồng chéo…
Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế về bảo đảm quyền tiếp cận nguồn nước.
Đây là một giải pháp hiệu quả bởi vấn đề về nguồn nước có liên quan mật thiết tới môi trường sống chung của con người trên toàn thế giới. Tăng cường hợp tác quốc tế bằng việc ký kết các hiệp định quốc tế về bảo đảm nguồn nước, tổ chức các hội nghị đấu tranh bảo vệ môi trường nước…Việc tăng cường hợp tác quốc tế này phải được diễn ra một cách thường xuyên liên tục, kiểm soát nguồn nước để bảo đảm người dân được cung cấp nguồn nước đầy đủ và chất lượng.
Thứ tư, tăng cường vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quốc tế và vai trò của cả cộng đồng, đặc biệt là người dân.
Cần tăng cường vai trò của các cơ quan trong bộ máy nhà nước như thống nhất bàn luận các vấn đề về bảo đảo quyền tiếp cận nguồn nước đáp ứng quyền tiếp cận nguồn nước tại các kỳ họp, thắt chặt mối liên hệ giám sát việc thực hiện các chủ trương chính sách về bảo đảm nguồn nước sạch đối với Hội đồng nhân dân,....Bên cạnh đó cần tăng cường hơn nữa vai trò của các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức quốc tế; tổ chức các hội nghị, hội thảo trực tuyến lấy ý kiến đóng góp đánh giá từ người dân để gia tăng khả năng nắm bắt, thấu hiểu hơn nữa tâm tư nguyện vọng quần chúng nhân dân từ đó việc ban hành chính sách, quyết định hỗ trợ nhanh gọn, hiệu quả hơn. Ngoài ra, quốc gia cần có sự tham gia vào các tổ chức như UNICEF, ILO,... nhằm nâng cao hơn nữa sự hợp tác quốc tế trong vấn đề toàn cầu về bảo đảm quyền tiếp cận nguồn nước. Ngoài ra, sự tham gia của người dân trong các hoạt động bảo vệ, sử dụng và quản lý nguồn nước không chỉ giúp nâng cao hiệu quả mà còn tạo ra sự đồng thuận và hợp tác trong cộng đồng.
Thứ năm, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong việc bảo đảm quyền tiếp cận nguồn nước đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững
Điều này cho phép mô phỏng toàn bộ hệ thống, quản lý tích hợp và hiệu quả, giảm chi phí nhân công, giảm điện năng tiêu thụ, tăng tuổi thọ thiết bị và công trình, giúp sớm phát hiện sự cố, ngăn chặn rò rỉ, thất thoát nước lên lịch bảo trì đường ống và chuẩn bị nguồn lực phù hợp, dựa trên nền tảng, dữ liệu chung được chia sẻ và phân tích bằng trí tuệ nhân tạo (AI), tích hợp với các hệ thống khác của đô thị cần được đưa vào trong các bộ giải pháp cho đô thị thông minh, mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan như chính quyền, doanh nghiệp, người dân…..
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cơ sở lý luận về quyền tiếp cận nước sạch và kết quả thực hiện quyền tiếp cận nước sạch của người dân nông thôn Việt Nam, TS. Phạm Thị Tính, Viện Nghiên Cứu Con người - Viện Hàn Lâm KHXH VN.
2. Giáo trình Kỹ thuật Tài nguyên nước, Trường Đại học Thủy Lợi, Tập thể tác giả: PGS.TS. Ngô Văn Quận (Chủ Biên), PGS. TS. Phạm Việt Hòa - PGS.TS. Lê Quang Vinh -TS. Nguyễn Lương Bảng - TS. Ngô Đăng Hải, TS. Trân Quốc Lập - TS. Nguyễn Quang Phi -ThS. Nguyễn Văn Tính.
3. An ninh nguồn nước và quyền tiếp cận nước sạch của người dân vùng Đồng bằng sông Hồng. Thực trạng và giải pháp, Đại học quốc gia Hà Nội, Lê Quỳnh Mai, TS. Vũ Quang hướng dẫn.
4. Sách The three ages of water, Peter Gleick.
5. Phát triển bền vững các nguồn nước quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, Đinh Như Hiền Trang, TS. Hoàng Ly Anh hướng dẫn.